Viết Kịch Bản Phim Hoạt Hình: Cần Phải Quan Tâm Những Gì?

Tất cả những tài liệu biên kịch chúng ta có thể đọc, tất cả những lớp dạy biên kịch chúng ta có thể học, hầu như chỉ chạm đến phần tảng băng nổi: kỹ thuật viết kịch bản dành cho phim người đóng (live-action). Trong khi đó, muốn tìm hiểu về kỹ thuật viết kịch bản phim hoạt hình, thì hầu như... chẳng thấy đâu.

Nghệ thuật hoạt hình, bất chấp việc có nguồn gốc lâu đời, và đóng góp một phần không hề nhỏ cho ngành điện ảnh, lại luôn bị... gạt sang một bên như là một thứ dành cho dân họa sĩ, dân đồ họa, hoặc mấy tay lập trình viên, mà không phải dành cho những "nhà làm phim" đích thực.

Chẳng thấy có ai dậy...

Đây là một sự thật khá là đáng buồn, khi hoạt hình là một chất liệu điện ảnh với rất nhiều những nét riêng biệt, độc đáo, và có khả năng kể những câu chuyện bay bổng đầy sức sáng tạo mà phim live-action hoàn toàn không thể làm được (khẳng định luôn).

Điều này cũng rất rõ nét ở những thị trường phim trẻ và giàu tiềm năng, điển hình như ở Việt Nam. Một năm có hàng chục phim ra rạp, nhưng phim hoạt hình Việt thì vẫn vắng bóng.

Không những vậy, phim hoạt hình còn luôn bị khán giả Việt Nam gán cho một cái mác đầy tính xem thường: "phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con" (mà cố tình bỏ qua việc những siêu phẩm của Pixar, ví dụ như 5 phút đầu phim "Up" đã chạm tới trái tim hàng triệu khán giả trưởng thành như thế nào).

Thế nhưng, mình không muốn đi sâu xa hơn về ngành công nghiệp, mà ở đây để nói về biên kịch. Cụ thể hơn, về việc viết kịch bản cho phim hoạt hình, vốn hầu như... chẳng được ai nói đến.

PHIM HOẠT HÌNH CÓ CẦN KỊCH BẢN?

Câu trả lời là không. Nghe thì hơi kỳ, nếu không cần thì viết hẳn ra một bài như thế này để làm gì?

Phim hoạt hình có thể chẳng cần kịch bản

Một phim hoạt hình, hoàn toàn chỉ cần bắt nguồn từ một ý tưởng, và một người họa sĩ nghĩ ra đến đâu, vẽ ra đến đó. Nhiều phim hoạt hình của Disney (điển hình như "Wreck It Ralph") được các nhà làm phim tiết lộ quá trình làm nội dung, sử dụng kịch bản hình ảnh (storyboard).

Vì hoạt hình là một chất liệu mang tính thị giác (vì ý này rất quan trọng nên mình bôi đậm), nên việc các nhà làm phim hoạt hình ưu tiên việc "nhìn" câu chuyện hơn việc "đọc" câu chuyện, có thể nói, là một điều dễ hiểu.

Nhưng, vẫn cần các nhà biên kịch

Nghe có vẻ hơi buồn nhỉ? Vậy chả nhẽ những người làm biên kịch không có chỗ đứng trong lĩnh vực hoạt hình ư?

Đó là khi những người làm biên kịch coi công việc của mình, là làm việc với con chữ, chứ không phải là với câu chuyện. Một người biên kịch am hiểu nghệ thuật kể chuyện, hoàn toàn có thể trở thành một phần không thể thiếu trong giai đoạn tiền kỳ của một dự án phim hoạt hình.

Tất nhiên, nếu như bạn có khả năng vẽ, dù chỉ là rất thô sơ và đơn giản (đủ để làm storyboard chẳng hạn), bạn sẽ có khả năng được coi như là một Story Artist, trong những quy trình lớn và chuyên nghiệp như của Pixar.

KỊCH BẢN PHIM HOẠT HÌNH: KHÔNG CÓ GIỚI HẠN SÁNG TẠO

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa phim hoạt hình và phim người đóng, đó là: phim hoạt hình không bị gò bó ở trong thế giới thực.

Phim hoạt hình không bị gò bó trong thế giới thực

Vậy thế nào là thế giới thực? Thế giới thực là cái thế giới mà bạn đang sống, nơi bạn bị gò bó bởi những giới hạn vật lý.

Nghe thì có vẻ vô lý, vì trong thế giới điện ảnh của Marvel, các nhân vật bay lượn, biến hình, thậm chí du hành thời gian, mà có thấy gò bó gì đâu?

Nhưng nếu nhân vật của bạn chạy qua mép vực, chạy tiếp thêm một đoạn, cho đến khi tự thấy mình đang đứng lơ lửng trên không trung vài giây rồi mới rơi xuống, thì bạn sẽ phải vỗ đùi và hét lên là: "phim điêu vãi!" Thế nhưng mà đây lại là những tình tiết thường thấy trong những phim hoạt hình kiểu như "Tom & Jerry" hay "The Road Runner".

Bạn đã hình dung ra chưa?

Thỏa sức bay bổng sáng tạo trong thế giới "ảo"

Thế giới trong phim hoạt hình, có thể nói là những thế giới hoàn toàn được tạo ra bởi người làm phim. Có nghĩa là, người làm phim nói cái thế giới đó là như thế nào, thì nó là chân lý. Cũng chính vì lẽ đó, những tình tiết mang tính hư cấu, phi thực tế trong thế giới thực, hoàn toàn có thể được bỏ qua và chấp nhận bởi khán giả xem hoạt hình, vì họ cho rằng những việc đó là hoàn toàn khả thi trong cái thế giới "ảo" mà bộ phim sáng tạo nên.

Vậy nên, chúng ta mới dễ dàng chấp nhận việc một con chuột có thể vừa biết nói vừa có thể biết nấu nướng, việc đám đồ chơi có những cuộc sống riêng của mình, trong thế giới điện ảnh của Pixar, mà không hề thắc mắc về cái logic đằng sau những câu chuyện đó. Ấy chính là ma thuật của hoạt hình!

Thuở bé nếu ai xem "Tom & Jerry" chắc hẳn đã rất quen thuộc với những tình tiết kiểu: mèo Tom đưa tay ra sau lưng, rồi bất ngờ rút ra một cái búa to tổ chảng (to gấp đôi gấp ba lần người của Tom). Quá vô lý luôn. Cái búa đấy ở đâu ra? Ma thuật của hoạt hình.

Ví dụ đỉnh cao của phim ngắn hoạt hình Oscars

Hay, với bộ phim thắng giải thưởng này chỉ một năm trước đó - "Bao" của Pixar, thì yếu tố sáng tạo thậm chí theo mình còn... "khùng" hơn. Đó là việc... chiếc bánh bao bỗng hóa thành một vật thể sống (và tất nhiên, chẳng ai xem phim thắc mắc về tính logic của điều này cả). Rất tiếc là, phim không có bản chiếu free online.

SHOW, DON'T TELL: THỂ HIỆN, CHỨ ĐỪNG KỂ LỂ

Người viết kịch bản thông thường, đôi khi có thể mượn âm thanh, mượn lời thoại, để dẫn dắt câu chuyện. Với phim hoạt hình, thì cái yêu cầu "show, don't tell" (thể hiện, chứ đừng kể lể) có vẻ như được tuân thủ một cách... gay gắt hơn.

Phim hoạt hình kể chuyện bằng hình ảnh

Một lần nữa, mình xin nhắc lại ý quan trọng đã được nói ở phía trên: hoạt hình là một chất liệu mang tính thị giác.

Vậy nên, với phim hoạt hình, phần "hình" mà không hoàn thành được cái nhiệm vụ làm hấp dẫn, lôi cuốn, sáng tỏ câu chuyện của phim, thì coi như đã thất bại ở bước khởi đầu. Không ai khác, các họa sĩ hoạt hình (hay các họa sĩ phân cảnh - storyboard artists) là những người "thấm nhuần" nhất khả năng kể chuyện bằng hình ảnh. Vì không giống các D.O.P trong live-action phải cầm máy và tìm góc quay phù hợp, họ là những người phải tư duy ra bố cục khung hình của phân cảnh từ con số 0, t̗ 5; a đến z.

Phim hoạt hình chẳng cần nhiều lời thoại

Nhiều phim hoạt hình, thậm chí còn chẳng có một tí thoại nào. Có nhiều bộ phim như vậy, không những chỉ hay, mà còn làm rõ nét hơn cái nghệ thuật kể chuyện bằng hình của những người làm hoạt hình. Ví dụ điển hình có thể kể ra là series hoạt hình classic "Tom & Jerry" của hãng MGM, chẳng cần lời thoại, vẫn mang đến những tiếng cười cho khán giả khắp 5 châu.

Hay lấy một ví dụ gần đây hơn: phim ngắn hoạt hình "One Small Step" của TAIKO Studio (được bầu chọn trong top 5 phim ngắn hoạt hình xuất sắc nhất mùa Oscars 2024), hoàn toàn chẳng cần một tí lời thoại nào, vẫn kể được một câu chuyện gãy gọn, xuất sắc, đầy tình cảm và tính nhân văn về sự nỗ lực bền bỉ.

Ở một ví dụ có thể được coi là... đỉnh cao nhất trong nghệ thuật kể chuyện bằng hình (theo quan điểm người viết) đó là ở siêu phẩm "Wall-E" của Pixar. Việc 30 phút đầu bộ phim hầu như không có một tí thoại nào, không những chẳng gây cản trở, thậm chí lại còn là một trong những yếu tố giúp bộ phim đoạt tượng vàng Oscars cho hạng mục Phim Hoạt Hình Xuất Sắc Nhất năm 2009.

Viết được một kịch bản phim không sử dụng đến lời thoại không hề dễ, nhất là với thói quen mượn lời thoại để kể lể giải thích, để exposition của nhiều người làm biên kịch. Vậy nên, viết được những kịch bản phim hoạt hình không thoại cũng yêu cầu cần nhiều tư duy bằng hình ảnh hơn của người làm biên kịch, cũng như sự phối kết hợp hài hòa, ăn ý với người họa sĩ.

Vì đôi khi chỉ trong một cái ánh nhìn, một cái biểu cảm, cũng có thể ẩn chứa cả một câu chuyện dài.

Gây cười bằng physical gag

Một hệ quả tất yếu của việc dùng hình ảnh để kể chuyện thay cho lời thoại, đó là việc sử dụng các tình huống gây cười bằng hành động (physical gag) thay vì các câu nói đùa (joke).

Điều này cực kỳ dễ thấy trong những phim hoạt hình dạng như "Tom & Jerry" vì các nhà sản xuất hoạt hình sẽ có thể tạo ra tiếng cười bằng những tạo hình, biểu cảm, tình huống hài hước của nhân vật, phát huy cái điểm mạnh sáng tạo của chất liệu hoạt hình.

Yếu tố này có thể hoàn toàn không thay thế được jokes trong những phim hoạt hình dạng sitcom như "The Simpsons" hay "BoJack Horseman", nhưng physical gag vẫn là không thể thiếu (trong trường hợp phim hoạt hình theo thể loại comedy).

SẴN SÀNG VIẾT NHIỀU CHỮ HƠN KỊCH BẢN THƯỜNG

Cách viết kịch bản cho phim hoạt hình, nếu như nhìn vào cụ thể từng câu chữ, cũng sẽ có thể thấy những điểm khác biệt so với live-action. Về phần bố cục, trình bày kịch bản, có thể nói là không có gì khác. Nhưng về cách viết, cũng sẽ có những sự khác biệt đáng lưu ý.

Miêu tả hình ảnh bằng chữ

Nếu như trong phim live-action, bạn có một cảnh quay trên đường phố, bạn chỉ cần viết vài ba câu mô tả là đủ để cho ông đạo diễn phối hợp chỉ đạo cho các đơn vị ở trường quay. Thế nhưng, trong phim hoạt hình, nơi tất cả mọi thứ có xuất hiện trong cảnh phim đều là được tạo ra từ con số 0 bởi những nghệ sĩ hoạt hình, mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy.

Ở đây, các nghệ sĩ hoạt hình sẽ kiêm một lúc rất nhiều vai trò: thiết kế bối cảnh, thiết kế ánh sáng, dàn cảnh, góc máy, thiết kế đạo cụ, vân vân và mây mây (còn chưa nói tới cả phần biểu cảm, hành động, diễn xuất của nhân vật).

Vậy cho nên, những mô tả chung chung là không đủ.

Để truyền tải được nội dung câu chuyện, đặc biệt là bằng hình ảnh, các nhà biên kịch phải sẵn sàng viết nhiều chữ hơn bình thường, để có thể đi sâu vào mô tả những hình ảnh mà người xem sẽ được nhìn thấy. Chỉ có cách làm này, mà các họa sĩ hoạt hình mới có thể "thấu hiểu" được cái tinh thần mà nhà biên kịch gửi gắm vào cảnh phim, để có thể biến hóa nó thành hình ảnh.

Độ dài của kịch bản

Hãy thử lấy một cảnh sau làm ví dụ:

"Con cáo chạy đuổi theo con chim trên mép vực, rồi ngã xuống hẻm núi."

Nếu như đây là kịch bản phim live-action, vậy là đủ để cho đạo diễn biến tấu nó ra trên trường quay. Thế nhưng với phim hoạt hình, như vậy là chưa đủ. Hãy tham khảo cách viết sau:

"Con cáo đuổi theo con chim, chân nó mờ đi, chạy qua cả mép vực. Con chim dừng phắt lại, thè lưỡi ra trêu ngươi con cáo, đúng lúc con cáo dừng lại giữa không trung. Nó nhìn xuống cái hẻm núi phía dưới và bắt đầu toát mồ hôi. Nó quay ra nhìn vào camera, nuốt nước bọt "ực" một cái, và rơi như một tảng đá. Cái cổ nó bị kéo dãn ra như sợi dây chun. Nó biến mất khỏi màn hình cùng với tiếng bom rơi, sau đó là một tiếng nổ và một cột khói bốc lên."

Dài dòng và nhiều chữ hơn hẳn, phải không? Nhưng bù lại, nó vẽ ra một bức tranh tỉ mỉ, chi tiết của cảnh phim. Đồng nghĩa với việc, người biên kịch phải tạo dựng ra được cái hình ảnh - điều mà các ông đạo diễn vẫn thường làm.

Đấy là ví dụ mà mình trực tiếp dịch lại từ Jeffrey Scott, tác giả nội dung của rất nhiều bộ phim và tv-series hoạt hình, bao gồm cả "Monta Trong Dải Ngân Hà Kỳ Cục" của hãng phim hoạt hình Vintata.

Trong những dự án hoạt hình ở Hollywood, thường kịch bản sẽ được nhà sản xuất outsource sang các quốc gia khác để gia công (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,...). Do đó, việc viết kịch bản kỹ lưỡng và chi tiết còn nhằm đảm bảo ý tưởng vẫn được rõ nghĩa, chính xác sau quá trình phiên dịch.

Việc phải viết nhiều chữ hơn để mô tả hình ảnh cũng có nghĩa, kịch bản phim hoạt hình sẽ có độ dài trung bình lớn hơn phim live-action. Nếu như ước tính với những bộ phim thường, một trang kịch bản sẽ tương ứng với một phút phim, thì với phim hoạt hình, một trang kịch bản sẽ chỉ tương ứng với khoảng 40 giây phim mà thôi.

KẾT

Vậy để tóm gọn lại, với hoạt hình là một chất liệu điện ảnh với nhiều nét riêng biệt độc đáo, công việc viết kịch bản cũng yêu cầu người làm biên kịch có những cách tiếp cận khác với những phim người đóng thông thường.

Những yếu tố cần thiết để viết một kịch bản phim hoạt hình xuất sắc bao gồm việc không để sự sáng tạo của mình bị gò bó bởi những giới hạn vật lý trong thế giới thực, việc khéo léo sử dụng hình ảnh để truyền tải và dẫn dắt câu chuyện, thay vì phụ thuộc vào lời thoại. Không những vậy, vì cần phải truyền tải được hình ảnh rõ nét đến các họa sĩ, người biên kịch cũng cần phải sẵn sàng viết... nhiều chữ hơn để mô tả kỹ càng những chi ti& #7871;t trong khung hình.

Công nghệ sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam đang có những sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của nhiều studio hoạt hình tư nhân với chất lượng chuyên môn tốt, tạo nên những sự chú ý nhất định. Thế nhưng, để đến ngày có sản phẩm hoạt hình thuần Việt được ra rạp, cũng cần phải có những kịch bản chất lượng nữa.

Vậy nên, nếu bạn là biên kịch, và muốn khám phá, thử thách bản thân với chất liệu hoạt hình, mình hy vọng rằng bài viết này mang đến những kiến thức hữu dụng.

Thân!

By Minh Mèo

Next Post Previous Post